Địa điểm: Số 64 đường Lê Lợi, Phường 2, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Dưới triều vua Gia Long, năm Đinh Sửu (1817), ông bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến Tường thuộc tỉnh Định Tường, gia tư khá, tánh tình cương trực, nên ông được dân làng cử giữ chức Câu Đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng.
Đất hoang khẩn được ông bà tạo lập một vườn quít, bên bờ rạch Thầy Khâm, nơi đây thuận chỗ nên dân trong làng tập trung để mua bán hoặc đổi chác, càng lúc càng đông. Thấy cảnh người mua bán không nơi ẩn trú, lúc nắng gắt, mưa to, Ông Bà cho dựng một cái chòi bằng tre lá, tạm thành một cái chợ. Qua vài năm chợ trở nên sung thịnh, người gọi là chợ Vườn Quýt, kẻ gọi là chợ Ông Câu hoặc Câu Lãnh…thu hút kẻ buôn người bán gần xa, các tiệm buôn bên chợ Hòa Thành (ở phía Hòa An, nay thuộc phường 4) lần lần dời qua chợ Vườn Quýt.
Năm Canh thìn (1820) tiết trời biến động khắp nơi, bệnh dịch tả phát lên dữ dội làm cho làng Mỹ Trà có nhiều người mất mạng. Đêm ngày tiếng mõ thúc, tiếng ván ngựa đánh liên hồi, hòa lẫn tiếng đóng hòm, tiếng cầu cứu tiếng oán than, từng đám tang nối tiếp diễn ra, xóm làng phủ trùm mùa thê lương tang tóc. Chợ Vườn Quýt lần hồi thưa thớt rồi vắng bóng người. Động lòng trắc ẩn và sẵn tình bác ái bao la Ông Bà liền đặt bàn hương án giữa trời trên sân chợ, đồng tâm khấn nguyện, Hoàng thiên hậu thổ chứng giám: ông bà xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch trên mau chấm dứt, nhân dân sớm thoát cảnh đau thương. Sau khi khấn nguyện, ông bà chay lạt, khổ hạnh ba ngày, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng 6, bước qua ngày mùng 9, thì Bà lâm bệnh và tắt hơi lúc 10 giờ đêm. Đang tẩn liệm cho bà thì ông phát bệnh, rồi ngày hôm sau là mùng 10, Ông cũng theo Bà lối 2 giờ khuya. Chôn cất ông, bà xong, bệnh dịch tả từ từ chấm dứt.
Để tưởng nhớ đến sự hy sinh cao quí của Ông Bà, hương chức, thân hào, nhân sĩ và dân chúng trong làng đồng lập miếu phụng thờ lấy ngày mùng 9, mùng 10 tháng 6 làm ngày vía của Ông Bà, để tâm ngưỡng tứ quí dâng lễ thường niên. Chợ Vườn Quýt lần hồi khôi phục, sung túc hơn trước bội phần và được mọi người quen gọi là chợ Câu Lãnh, rồi nói trại đi thành Cao Lãnh lúc nào không ai biết. Cao Lãnh thành danh từ đó.
Với lòng ngưỡng mộ và lòng tôn kính Ông Bà, ông Huỳnh Kim Sanh, đại hương cả làng Mỹ Trà, nhờ ông Đốc phủ sứ Lê Văn Giáp, chủ quận Cao Lãnh thỉnh cầu triều đình Huế phong Thần cho Ông Bà. Đến năm 1936 được chiếu lệnh phong sắc ghi công đức của Ông Bà, dân chúng trong làng liền đặt bàn hương án cung nghinh nghe chiếu lệnh:
“Sắc Sa-đéc tỉnh, Mỹ Trà xã, phụng sự khai thị lập ấp Câu Lãnh Đỗ Công Tường tôn thần, nẫm trứ linh ứng, tứ kim phỉ thừa cảnh mạng, miến niệm thần hưu, tước phong vi: “Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần” chuẩn kỳ phụng sự, thử cơ thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Bảo Đại thập niên, tứ ngoạt thập cửu nhựt.
Tạm dịch:
Sắc rằng: vị thần Câu Lãnh Đỗ Công Tường ở xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc có công lập ấp mở chợ, từ trước đã tỏ ra linh ứng, nay có sắc mệnh nhà vua nhớ đến công đức của thần, sắc phong cho vệ hiệu là: “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” để dân phụng thờ ngõ hầu thần giúp đỡ, bảo hộ cho.
Kính cẩn vậy thay.
Bảo Đại năm thứ mười, ngày mười chín tháng tư.
Để bảo tồn mãi mãi ngôi đền kỷ niệm của Ông Bà, chánh quyền thân hào, nhân sĩ, Ban tế tự, nhân dân thành phố Cao Lãnh và nhân dân trong, ngoài tỉnh Đồng Tháp cúng công, cúng của, tiếp nối chỉnh trang để kế thế lưu di kỷ niệm.
* Ghi chú: Nội dung được cung cấp từ Hội Khoa học – Lịch sử Đồng Tháp.