Địa điểm: phường 2, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Bên dốc cầu Đình Trung thuộc làng Mỹ Trà (nay là phường 2, thành phố Cao Lãnh) về phía phải có tấm bia đá lộ thiên cao 1,65m, ngang 1,10m, dầy 0,53m dựa theo nội dung khắc bằng chữ Hán thì đây chính là bia của Tiền Hiền, làng Mỹ Trà trước đây.
Ngày 12/01/2013, UBND TP.Cao Lãnh tổ chức khai quật mộ cụ Nguyễn Tú tại khóm 3, phường 2 để di dời về khu nhà mộ công viên Tiền Hiền Nguyễn Tú thuộc khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Phú. Nơi đây được đầu tư trên 5,7 tỷ đồng xây dựng công viên Tiền Hiền Nguyễn Tú ở phường Mỹ Phú với các hạng mục như: Khu nhà mồ, hồ sen và cây xanh, sân đường nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước.
Nguyễn Tú là người quê ở Quy Nhơn đến khai phá vùng đất này đầu tiên với tên gọi là khố trường Bả Canh. Là người có công lập hai làng Mỹ Trà và An Bình. Mộ được phát hiện vào năm 1878, bia do chủ trưởng làng Mỹ Trà là Phạm Công Khanh lập văn bia này.
Bia ghi lại công lao của ông Nguyễn Tú đã đến khai mở vùng đất Cao Lãnh rất sớm trước khi Gia Long lên ngôi. Thuở ấy, cư dân vùng này thưa thớt, chưa phân địa giới hành chính. Từ sông Đồng Nai đến sông Tiền, Chúa Nguyễn tạm chia ra 9 khố trường để trong coi việc thu thuế là: Hoàng Lạp, Tam Lịch, Qui Hóa, Thiên Mụ, Cảnh Dương, Tân Thạnh, Quản Thảo và Bả Canh.
Nguyễn Tú có công trong việc khai hoang lập ấp tạo dựng nên hai thôn Mỹ Trà và An Bình trên địa bàn khố trường Bả Canh. Lúc mất, ông bà Nguyễn Tú không có người thừa tự nhưng được dân làng an táng tử tế bên bờ sông Cái Sao Thượng. Đến năm 1876, nhân khi làm đường nối liền chợ Mỹ Trà và thôn An Bình, hai ngôi mộ này được phát hiện nằm ngay trên tuyến phóng. Nhà chức trách tìm thân nhân để lo việc di dời, mới biết được lai lịch và công đức của Nguyễn Tú đối với địa phương nên cho sửa sang lại hai ngôi mộ và dựng bia để lưu niệm cho người đời sau. Nội dung bia do cử nhân Nguyễn Giảng Tiên và giáo thọ Nguyễn Bỉnh Khuê soạn thảo.
Nhờ có bia này chẳng những người ta có thể phỏng đoán được địa bàn của khố trường Bả Canh là ở khu vực Cao Lãnh. Hay rộng hơn là cả Đồng Tháp Mười, mà còn giúp ta xác định được vùng đất thành phố Cao Lãnh là một trong những nơi được khai thác sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (thôn Mỹ Trà vào năm 1808 dưới triều Gia Long đã là huyện lỵ của huyện Kiến Đăng thuộc trấn Định Tường).
Được xếp hạng di tích cấp tỉnh 20/04/2001.
Ghi chú: Nội dung được cung cấp từ Bảo Tàng Đồng Tháp.