BIA LƯU NIỆM THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP

Địa điểm: xã Hòa An, thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp ( Trong những tài liệu cũ, địa điểm này thuộc làng Hòa An, tổng An Tịnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc).

Quận Cao Lãnh được thành lập vào năm 1914 là một trong ba quận của tỉnh Sa Đéc. Quận Cao Lãnh có ba tổng: An Tịnh, Phong Thạnh, Phong Nẫm, gồm 19 làng và 01 thị trấn. Làng Hòa An thuộc tổng An Tịnh, có diện tích 1.227,7059ha.

Chống ngoại xâm, chống áp bức là truyền thống quí báu của nhân dân Hòa An. Vì thế địa bàn Hòa An là một trong những nơi sớm hưởng ứng phong trào Cách mạng Vô sản do Bác Hồ kính yêu tiếp thụ và truyền bá về Việt Nam, là một trong những cái nôi Cách Mạng ở Đồng Tháp được ghi vào lịch sử. Từ đầu thế kỉ XX đã có nhiều người yêu nước sang Trung Quốc, Nhật để tìm đường cứu nước. Đặc biệt, trong những năm 20, Hòa An vinh dự đón Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc về đây gieo cấy tư tưởng yêu nước, chống ngoại xâm, giúp cho truyền thống yêu nước vốn có của nhân dân Hòa An được nhân lên gấp bội.

Những năm 1924 đến 1926, phong trào yêu nước của nhân dân Đồng Tháp lên khá cao. Những sự kiện chính trị diễn ra trong thời kỳ này đã thức tỉnh và khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân Đồng Tháp, nhất là lứa tuổi thanh niên và học sinh. Được sự tuyên truyền vận động của phái viên nhóm Trung tâm Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ Quảng Châu ( Trung Quốc)  về (1) vào tháng 02 và tháng 3 năm 1927, ba thanh niên học sinh (2) tỉnh Đồng Tháp được giới thiệu dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội mở tại Quảng Châu ( Trung Quốc), trong đó có một người của Hòa An là Lưu Kim Phong. Sau khi thẩm tra, thử thách đến cuối khóa 03 thanh niên này được chính thức kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ngày 07/11/1927 (3)

Cuối năm 1927, 03 “ hạt giống đỏ” đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cho trở về nước hoạt động. Về đến Sài Gòn, 03 thanh niên này được Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ghép thành một Tiểu tổ, phân công về hoạt động ở Sa Đéc và chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Phát phụ trách Tiểu tổ trưởng. Tổ nhất trí bố trí đồng chí ở địa phương nào thì về hoạt động ở địa phương đó: đ/c Nguyễn Văn Phát – xã Hội An và Hội An Đông ( Cái Tàu Thượng), Võ Bửu Bính (4) – xã Mỹ An Hưng (Đất Sét), đ/c Lưu Kim Phong hoạt động địa bàn Cao Lãnh. Nhiệm vụ trước mắt của tổ là khuấy động phong trào yêu nước trong thợ thuyền, thầy giáo, học sinh, thanh niên, nông dân…giáo dục họ thấy được sự bất công trong xã hội, căm thù thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào mà trực tiếp là bọn tế ấp, tề xã ác ôn, đồng thời gây cho họ ý thức về sức mạnh đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Qua phong trào đấu tranh của quần chúng mà chọn những phần tử tích cực, tiên tiến để tở chức họ vào hội.

Ở Cao Lãnh, hơn 06 tháng hoạt động, đồng chí Lưu Kim Phong đã gầy dựng nhiều cơ sở tại các xã Hòa An, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân Nhuận Đông… Nhiều thanh niên đã tham gia hoặc có cảm tình với hội. Sau một thời gian, Tiểu tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên được thành lập ở xã Hòa An gồm 07 hội viên ( Tư Lầu, Tư Ý, Giáo Sa, Ba Mãng, Giáo Cảnh, Túy và nữ đồng chí Tám Lựu) do đ/c Lầu làm tổ trưởng. Các hội viên đều được học tập tài liệu “ Đường kách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các tài liệu quan trọng khác mà “Tổ nòng cốt” đầu tiên đã tiếp thu trong khóa huấn luyện ở Quảng Châu. Những hội viên này đã tích cực tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp lao động giác ngộ lòng yêu nước, ý thức đấu tranh đoàn kết chống áp bức, bóc lột, chống mọi bất công trong xã hội… Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, công tác xây dựng và phát triển tổ chức cũng được đẩy mạnh.

Để tập dượt quần chúng đấu tranh, ngày 04/02/1929 ( nhân dịp Tết Nguyên Đán) Tổ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh tẩy chay hiệu chạp phô Quảng Di Xương ( chủ cửa hiệu mua bán lớn), một tên ác bá tay sai chính quyền thực dân Pháp tại chợ Cao Lãnh, vì tên này thường ức hiếp quần chúng. Qua kết quả này, tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân và Tổ trở thành trung tâm lãnh đạo của quận Cao Lãnh và một số xã thuộc Tổng Phong Thạnh Thượng ( Long Xuyên). Đến tháng 6/ 1929 tổ đã phát triển hơn 40 hội viên và hàng trăm người có cảm tình với hội.

Từ khi có tổ chức và hoạt động của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, phong trào yêu nước của nhân dân Cao Lãnh đi vào thời kỳ mới, thời kỳ giao điểm giữa chủ nghĩa yêu nước theo nhiều xu hướng khác nhau đến việc hình thành một Chính Đảng Cách mạng tại địa phương.

Sau khi An Nam Cộng sản Đảng tuyên bố chính thức thành lập ở Nam Kỳ tháng 9/1929, đã chỉ thị cho các tỉnh phải chuẩn bị tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng bộ địa phương. Cuối năm 1929, đồng chí Phạm Hữu Lầu Tổ trưởng Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Hòa An, cũng là người đầu tiên của tỉnh Sa Đéc được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và được chỉ định đi “vô sản hóa” ở Đề – Pô xe lửa ở Dĩ An( Sài Gòn). Khoảng tháng 11/1929, một tháng sau khi đồng chí Lầu được kết nạp vào Đảng thì tổ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Hòa An được công nhận là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, có 06 Đảng viên: Ba Mãng, Giáo Sa, Giáo Cảnh. Tư Ý, Mười Túy và Tám Thiện. Lễ công nhận được tổ chức tại vườn Mù U(5) xã Hòa An dưới sự chủ trì của đồng chí Ung Văn Khiêm. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sa Đéc, thường được gọi là “ Chi bộ Hòa An” hoặc “ Chi bộ đặc biệt Cao Lãnh”. Sau Chi bộ Hòa An thì các Chi bộ khác cũng được thành lập ở Cao Lãnh vào những tháng đầu năm 1930, đó là các Chi bộ liên xã: Mỹ Ngãi – Mỹ Trà, Chi bộ Tân Thuận Đông – Tân Nhuận Tây, Chi bộ Phong Mỹ… Chi bộ Cao Lãnh còn giúp cho sự ra đời của Chi bộ xã Bình Thành( tổng Phong Thạnh Thượng) sau đó phát triển các Chi bộ xã Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong, Tân Huề. Lúc đó, các Chi bộ này đều chịu hệ thống lãnh đạo và chỉ đạo của Chi bộ Cao Lãnh.

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Chi bộ An Nam Cộng Sản Đảng Hòa An được cải tổ thành Chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Là Chi bộ, nhưng trong buổi sơ khai hoạt động đóng vai trò như cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh.

Vừa mới ra đời, Chi bộ Đảng bắt tay ngay vào hoạt động lãnh đạo, tổ chức nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ giành thắng lợi lớn, cổ vũ tinh thần nhân dân trong bước đấu tranh tiếp theo.

Những sự kiện tiêu biểu về đấu tranh Cách mạng do Chi bộ Hòa An lãnh đạo là vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ nhân ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, hơn 700 nông dân các xã trong tổng Phong Thạnh Thượng, quận Chợ Mới ( nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) và một số đồng bào Cao Lãnh kéo đến đấu tranh trực diện với Cai Tổng Cần đòi giảm tô, hoãn thu thuế thân, thả những người thiếu thuế thân và không bắt đi xâu. Bất ngờ trước sức mạnh của quần chúng, tên Cần và bọn tề xã không dám đàn áp mà buộc phải tiếp đoàn biểu tình, hứa sẽ đệ trình và can thiệp với cấp trên giải quyết yêu sách của đoàn biểu tình.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh là nguồn cổ vũ lớn đối với nhân dân Cao Lãnh, nơi đang ráo riết chuẩn bị cuộc đấu tranh ngày 03/5/1930. Rút kinh nghiệm vận động và tổ chức đấu tranh ở xã Bình Thành, Chi bộ Cao Lãnh quyết định tổ chức cuộc đấu tranh qui mô lớn tại quận lỵ Cao Lãnh đúng thời gian và kế hoạch đã dự kiến.

Khoảng 3h00 sáng ngày 03/5/1930, đường dây điện tín Sa Đéc và Long Xuyên bị quần chúng cắt đứt. Hai chiếc bắc ở bến bắc Cao Lãnh bị ta tổ chức phá hỏng máy và được đưa về phía tả ngạn sông Tiền ( phía Tân Tịch), giao thông liên lạc của địch ở Cao Lãnh bị tê liệt. Trời rạng sáng, trong sương mù của tháng 5, hơn 4000 người đội ngũ chỉnh tề, có cả đội “Củ soát”  (6) giữ trật tự kéo ra lộ và tiến thẳng đến dinh Quận trưởng Cao Lãnh, hô vang khẩu hiệu: Hoãn đóng thuế thân 02 tháng, thả những người bị bắt vì thiếu thuế và không đi xâu, giảm tô tức, bỏ phạt vạ vô lý (7). Khi đoàn biểu tình đến trụ sở tề Hòa An (cách dinh Quận trưởng 300m) tên Cò Cazenova (8) đưa lính đến ngăn chặn, nhưng đoàn biểu tình vẫn tiến bước trước mũi súng của địch. Khi đến dinh tên Quận trưởng, đoàn biểu tình chia ra vây trụ sở và đòi tên Lê Quang Tường – Quận trưởng ra gặp đoàn biểu tình. Trước khí thế hàng ngàn người có tổ chức, tên Tường sau khi chờ tỉnh đến chi viện không được, đến trưa hắn phải ra trước trụ sở để nghe đại diện đoàn biểu tình nêu yêu sách. Lực lượng đàn áp từ  Sa Đéc chi viện cho Cao Lãnh gồm 02 xe chở đầy binh lính đến đầu cầu bắc phải nằm lại đó vì bắc đã bị phá hỏng. Trước tình thế này tên Tường phải nhận các yêu sách và hứa sẽ đệ trình lên tỉnh giải quyết, đồng thời niêm yết yêu sách của nhân dân trước dinh Quận.

Mãi đến chiều tên Thống đốc Nam kỳ cùng Tỉnh trưởng Sa Đéc và quân lính đầy đủ súng đạn đã tìm cách đến được Cao Lãnh. Là một tên thực dân cáo già, để mị dân và đề phòng các cuộc đấu tranh mới, tên Cognac Thống đốc Nam kỳ – ký sách lệnh hoãn thuế thân 02 tháng cho nhân dân 20 tỉnh Nam kỳ. Đây là một thắng lợi lớn, có sức động viên, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào Cách mạng ở các khu vực thuộc tỉnh Đồng Tháp và có tiếng vang đối với các tỉnh.

Từ Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh cùng với 03 Đảng viên nữa do cấp trên tăng cường về, các đồng chí vừa ráo riết hoạt động, phát triển tổ chức vừa trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi, chứng tỏ Chi bộ đã làm đúng chánh cương sách lược và điều lệ của Đảng, đi đúng “Đường kách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Chi bộ Đảng đầu tiên trải qua những năm tháng bị thực dân Pháp khủng bố tàn bạo, nhiều đồng chí và đồng bào bị bắt, bị tù đày. Song, Chi bộ vẫn tồn tại và phát triển, làm cơ sở tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời đầu tiên của tỉnh Sa Đéc vào trung tuần tháng 3/1945, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cao trào Cách mạng của quần chúng giành chánh quyền tháng 8/1945. Từ đó đến nay Tỉnh ủy và Đảng bộ tỉnh nhà từ những tên gọi khác nhau: Sa Đéc – Long Châu Sa – Long Châu Tiền – Kiến Phong – Sa Đéc – Đồng Tháp, luôn luôn hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc và tổ chức thực hiện có kết quả chủ trương của Đảng về đổi mới theo định hướng XHCN.

Với hơn 65 năm đấu tranh xây dựng và trưởng thành, từ những đồng chí tiền bối như Phạm Hữu Lầu, Trần Thị Nhượng, Nguyễn Thị Lựu là những tấm gương trong sáng, vì lý tưởng Cộng sản, suốt đời vì dân, vì nước, cái nôi Cách mạng Hòa An qua các thời kỳ đã tạo hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cống hiến cho sự nghiệp vì độc lập tự do cho Tổ Quốc và xây dựng đất nước tiến lên XHCN.

Những cống hiến to lớn đó, nhất là thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Hòa An và một Đảng viên là Trần Thị Thu vinh dự được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân. Niềm vinh dự, tự hào này chẳng riêng của Đảng bộ và nhân dân Hòa An, mà còn là của toàn Đảng, quân và nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

* Ghi chú: Nội dung được cung cấp từ Bảo Tàng Đồng Tháp.

Tin liên quan